Sữa chua là một trong những thực phẩm được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới từ hàng trăm năm qua. Sữa chua nổi tiếng không chỉ vì thơm ngon mà còn vì lợi ích mà nó đem lại cho sức khỏe của con người. Vì lẽ đó nên hiện nay sữa chua có rất nhiều chủng loại cũng như đa dạng về mẫu mã cho mọi người lựa chọn. Vậy nên, để sữa chua đạt được chất lượng tốt cũng như đủ sức cạnh tranh trên thị trường thì bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất sữa chua phải có đầy đủ các loại giấy tờ pháp lý để thực hiện được thủ tục tự công bố sản phẩm sữa chua của mình. Vậy, tự công bố sản phẩm sữa chua là gì? Để giải đáp thắc mắc của quý khách hàng, công ty Luật Việt An đưa ra bài viết về tự công bố sản phẩm sữa chua dưới đây.
Cơ sở pháp lý
Luật An toàn thực phẩm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2018.
Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP và Nghị định Nghị định 85/2019/NĐ-CP.
Tự công bố sản phẩm sữa chua là gì?
Công bố sản phẩm là việc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh một mặt hàng nhất định tiến hành tự công bố sản phẩm đó với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật hiện hành.
Sữa chua là chế phẩm bơ sữa được sản xuất bởi vi khuẩn lên men có trong sữa. Theo đó sữa chua đặc và sữa chua uống là sản phẩm lên men lactic từ sữa sau khi đã khử chất béo và thanh trùng vi khuẩn gây bệnh bằng phương pháp tiệt trùng ở nhiệt độ 80-90 °C.
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 15/2018/NĐ-CP thì các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ thực hiện tự công bố thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn v.v. Như vậy, sữa chua sẽ thuộc loại thực phẩm tự công bố vì đây là thực phẩm đóng gói sẵn. Do vậy, các cá nhân, tổ chức sẽ phải thực hiện thủ tục tự công bố sữa chua.
Tại sao phải tự công bố sản phẩm sữa chua?
Việc tự công bố sữa chua khẳng định về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sản phẩm của mình.
Doanh nghiệp thực hiện đầy đủ thủ tục tự công bố sản phẩm sữa chua có nghĩa là doanh nghiệp đó đã tuân thủ và chấp hành đầy đủ quy định pháp luật.
Tự công bố sản phẩm sữa chua giúp tạo ra ưu thế cạnh tranh đối với những sản phẩm cùng loại chưa được công bố.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh sản xuất sữa chua tự công bố sẽ được cơ quan có thẩm quyền công nhận, giúp quảng bá nhãn hiệu, sản phẩm thông qua truyền thông, công khai trên phương tiện truyền thông của cơ quan đó.
Việc công bố sản phẩm sữa chua sẽ giúp tạo điều kiện cạnh tranh một cách công khai và minh bạch giữa các nhà sản xuất, kinh doanh về sản phẩm đã công bố đến người tiêu dùng.
Ngoài ra, việc tự công bố sản phẩm sữa chua còn giúp duy trì ổn định chất lượng giúp cải tiến năng suất và giảm sự lãng phí.
Điều kiện tự công bố sản phẩm sữa chua
Để thực hiện hiện tự công bố sản phẩm sữa chua thì các doanh nghiệp sẽ phảp đáp ứng đầy đủ những điều kiện như sau:
Đáp ứng những quy chuẩn kỹ thuật tương ứng như: TCVN 6509:1999, TCVN 7030:2016 về sữa lên men. TCVN 8176:2009 TCVN 8177:2009, TCVN 8182:2009.
Tuân thủ những quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm, các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người.
Đáp ứng được quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm hay các chất hỗ trợ chế biến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Đáp ứng được quy định về bao gói và ghi nhãn thực phẩm.
Đáp ứng được quy định về bảo quản thực phẩm.
Kiểm nghiệm về sản phẩm sữa chua
Kiểm nghiệm và kiểm tra sản phẩm sữa chua theo các tiêu chuẩn là một việc làm quan trọng. Việc này giúp cho sản phẩm sữa chua khi tung ra ngoài thị trường sẽ được đảm bảo chất lượng. đặc tính phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã đặt ra tương ứng với sản phẩm đó. Trước khi thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm sữa chua thì bắt buộc các tổ chức, doanh nghiệp cần phải thực hiện kiểm nghiệm về sản phẩm sữa chua của mình, sau khi dựa trên các chỉ tiêu, định lương được quy định trong quy chuẩn để xác định sản phẩm sữa chua của mình là an toàn, quý khách sẽ được cung cấp phiếu kiểm nghiệm an toàn thực thẩm của sản phẩm.
Sau đó, thủ tục kiểm nghiệm sữa chua được căn cứ vào Nghị định 15/2018/NĐ-CP, bao gồm các bước cụ thể như sau:
Tổ chức, cá nhân kinh doanh sữa chua chuẩn bị sẵn mẫu sản phẩm để tiến hành thử nghiệm.
Lên chỉ tiêu kiểm nghiệm dựa vào quy chuẩn của sản phẩm theo quy định pháp luật Việt Nam.
Mang mẫu sữa chua đến phòng kiểm nghiệm. Phòng kiểm nghiệm phải được công nhận phù phù hợp với tiêu chuẩn ISO 17025 gồm các chỉ tiêu an toàn do Bộ Y tế ban hành theo nguyên tắc quản lý rủi ro phù hợp với quy định của quốc tế hoặc các chỉ tiêu an toàn theo các quy chuẩn và tiêu chuẩn tương ứng do tổ chức hay cá nhân công bố trong trường hợp chưa có quy định của Bộ Y tế.
Các chỉ tiêu kiểm nghiệm chất lượng cơ bản đối với sản phẩm sữa chua
Chỉ tiêu về cảm quan: Màu sắc, mùi vị, trạng thái, các chỉ tiêu hóa lý, hàm lượng chất khô không chứa chất béo, hàm lượng chất béo và độ a xít có trong sản phẩm.
Chỉ tiêu về hàm lượng kim loại nặng (mg/l) bao gồm: Chì, asen, cadimi, thủy ngân v.v.
Chỉ tiêu độc tố vi nấm Aflatoxin M1.
Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và dư lượng thuốc thú y.
Chỉ tiêu vi sinh vật bao gồm: tổng số vi sinh vật hiếu khí, Coliform, Staphylococcus aureus, E.Coli, Salmonella và tổng số bào tử nấm men-mốc.
Thời gian kiểm nghiệm sản phẩm sữa chua sẽ khoảng từ 05 cho đến 07 ngày làm việc.
Hồ sơ tự công bố sản phẩm sữa chua
Để tự công bố sản phẩm sữa chua Quý khách sẽ phải chuẩn bị những loại giấy tờ như sau:
Bản tự công bố sản phẩm sữa chua theo Mẫu số 01 Phụ lục I Nghị định 15/2018/NĐ-CP.
Kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm sữa chua trong thời hạn 12 tháng.
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cơ sở sản xuất sữa chua (nếu sản phẩm sữa chua nhập khẩu thì sẽ không cần giấy phép này).
Mẫu nhãn sản phẩm.
Trình tự tự công bố sản phẩm sữa chua
Để thực hiện tự công bố sản phẩm sữa chua, Quý khách cần thực hiện những bước như sau:
Kiểm nghiệm sản phẩm
Doanh nghiệp tiến hành thực hiện kiểm nghiệm sản phẩm theo những bước như trên và nhận lại kết quả kiểm nghiệm để thực hiện thủ tục công bố sản phẩm.
Công bố công khai sản phẩm sữa chua
Cá nhân, tổ chức kinh doanh sản phẩm sữa chua tự công bố sản phẩm của mình trên website, phương tiện thông tin đại chúng hoặc niêm yết công khai tại trụ sở.
Nộp và tiếp nhận hồ sơ
Người có sản phẩm sữa chua tự công bố có thể nộp 01 (một) bộ hồ sơ theo yêu cầu đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định qua hai phương thực nộp hồ sơ: qua đường bưu điện hoặc trực tiếp.
Một số lưu ý khi tự công bố sản phẩm sữa chua
Đối với trường hợp tổ chức hay cá nhân có từ 02 (hai) cơ sở sản xuất trở lên cùng sản xuất một sản phẩm sữa chua thì tổ chức, cá nhân chỉ nộp hồ sơ tại một cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương có cơ sở sản xuất do tổ chức, cá nhân lựa chọn. Khi đã lựa chọn cơ quan quản lý Nhà nước để nộp hồ sơ thì các lần tự công bố tiếp theo phải nộp hồ sơ tại cơ quan đã lựa chọn trước đó.
Sau khi tự công bố doanh nghiệp sẽ có quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm đó.
Công bố tiêu chuẩn chất lượng sữa chua tại Ban quản lý an toàn thực phẩm, nếu cơ sở của quý khách ở tỉnh thì đăng ký tại Chi cục an toàn thực phẩm.
Một số câu hỏi liên quan đến thủ tục tự công bố sản phẩm sữa chua
Đơn vị nào công bố thực phẩm nhập khẩu?
Đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm sữa chua khi được phân phối trên thị trường Việt Nam có trách nhiệm tự công bố thực phẩm nhập khẩu. Đơn vị phải làm thủ tục tự công bố trước khi sản phẩm sữa chua được thông quan tại cơ quan Hải quan.
Có phải dịch nhãn sản phẩm nhập khẩu khi thực hiện tự công bố sản phẩm?
Các tài liệu trong hồ sơ tự công bố phải được thể hiện bằng tiếng Việt do đó nhãn hàng hóa nhập khẩu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch sang tiếng Việt và được công chứng. Theo quy định tại Nghị định 115/2018/ND-CP thì đối với trường hợp Tài liệu bằng tiếng nước ngoài trong hồ sơ tự công bố sản phẩm không được dịch sang tiếng Việt và không được công chứng theo quy định bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Khi thay đổi tên sản phẩm có phải thực hiện tự công bố sản phẩm lại?
Khi sản phẩm sữa chua có sự thay đổi về tên thì tổ chức, cá nhân phải tự công bố lại sản phẩm. Thủ tục tự công bố lại tương tự như thủ tục tự công bố mới. Các trường hợp có sự thay đổi khác, tổ chức, cá nhân thông báo bằng văn bản về nội dung thay đổi đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và được sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngay sau khi gửi thông báo.
Trên đây là bài viết về tự công bố sản phẩm sữa chua. Quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc về các vấn đề tự công bố sản phẩm sữa chua xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được chúng tôi hỗ trợ tốt nhất!