Vai trò của VIAC trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Tranh chấp thương mại là một hiện tượng phổ biến và thường xuyên diễn ra trong thực tiễn giao lưu kinh tế. Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại là xu thế ngày càng phổ biến trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế. Ở Việt Nam, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chỉ mới bắt đầu xuất hiện từ những năm 90 của thế kỉ XX và phát triển nhanh chóng, đạt nhiều thành tựu. Trong đó, điển hình là Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã đạt nhiều thành tựu, giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại. Vậy vai trò của VIAC trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là gì?
VIAC là gì?
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (tiếng Anh: Vietnam International Arbitration Centre, viết tắt là VIAC) được thành lập vào năm 1993 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trên cơ sở hợp nhất Hội đồng Trọng tài Ngoại thương (thành lập năm 1963) và Hội đồng Trọng tài Hàng hải (thành lập năm 1964).
Theo quy định của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và Điều lệ hiện hành, VIAC là tổ chức độc lập. Phán quyết của các Hội đồng Trọng tài thuộc VIAC là chung thẩm và được công nhận, thi hành tại Việt Nam và trên 170 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới theo Công ước về Công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài (Công ước New York 1958).
Chức năng của VIAC trong tố tụng trọng tài
Theo Điều lệ VIAC, VIAC có chức năng tổ chức hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại khác theo quy định của pháp luật; hỗ trợ về hành chính, văn phòng và các trợ giúp khác trong quá trình trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại khác.
Vai trò của VIAC trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Là một đơn vị trọng tài có lịch sử phát triển lâu nhất tại Việt Nam, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể và trở thành một trong những lựa chọn đầu tiên của cộng đồng doanh nghiệp. Vai trò của VIAC trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài như sau:
Thứ nhất, giúp cho việc giải quyết tranh chấp được nhanh chóng, ngắn gọn, tiết kiệm thời gian.
Tại VIAC, các trọng tài viên thường xuyên được tập huấn và trao đổi kinh nghiệm giải quyết tranh chấp. Quy trình giải quyết tranh chấp ngày càng được cải tiến và hoàn thiện. Thời gian giải quyết tranh chấp được rút ngắn. VIAC cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp, đảm bảo tiêu chí linh hoạt và thuận tiện của trọng tài như việc tổ chức các phiên họp qua hình thức trực tuyến, teleconference, video conference, giúp các bên tranh chấp tiết kiệm thời gian, chi phí khi giải quyết tranh chấp tại trọng tài.
Thứ hai, nâng cao được hiệu quả kinh doanh; đảm bảo được bí mật trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Với đặc trưng của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại vụ việc tranh chấp được giải quyết không công khai để đảm bảo thông tin của các bên trong quan hệ kinh doanh, thương mại. Nguyên tắc bí mật áp dụng với việc trọng tài không được tiết lộ thông tin vụ tranh chấp với bên thứ ba đồng thời nâng cao được hiệu quả kinh doanh của các bên trong tranh chấp.
Thứ ba, là cơ chế giải quyết tranh chấp trung lập cho các bên mang tính thân thiện tạo khả năng tiếp tục duy trì mối quan hệ của các bên.
Quan hệ kinh doanh, thương mại là một bộ phận của quan hệ từ với bản chất là sự tự thỏa thuận của các bên, không ai có quyền quyết định thay cho các bên về lợi ích của chính họ. Trọng tài chính là bên trung gian thứ ba được các bên tranh chấp chọn ra để giúp các bên giải quyết những xung đột, bất đồng giữa họ trên cơ sở đảm bảo quyền tự định đoạt của các bên.
Thứ tư, phán quyết của trọng tài có đặc điểm giống như bản án của tòa án đó chính là mang tính chung thẩm và bắt buộc các bên phải thi hành.
Nếu đem thi hành trong lãnh thổ Việt Nam, phán quyết trọng tài VIAC có thể được đưa thẳng tới cơ quan thi hành án (Cục thi hành án dân sự) để được cưỡng chế thi hành; phán quyết trọng tài VIAC cũng có thể được cho công nhận và thi hành tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên Công ước New York về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài.
Thứ năm, giảm bớt gánh nặng cho Tòa án.
Với xu thế hội nhập và phát triển kinh tế nhanh chóng hiện nay, tranh chấp thương mại xảy ra ngày càng nhiều đòi hỏi cơ quan giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng hiệu quả. Trong khi đó, khối lượng công việc của Tòa án là rất lớn, sự phát triển VIAC nói riêng và các trung tâm trọng tài thương mại ở Việt Nam nói chung sẽ giảm bớt gánh nặng cho Tòa án và giúp việc giải quyết tranh chấp hiệu quả, rút ngắn thời gian và đảm bảo sự phát triển kinh tế.
Như vậy, trung tâm trọng tài VIAC đóng vai trò rất quan trọng đối với việc giải quyết tranh chấp bằng hình thức trọng tài như vừa là nơi tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp, vừa hỗ trợ các trọng tài viên trong các công việc hành chính văn phòng. Bên cạnh đó, VIAC giúp cho việc giải quyết tranh chấp được hiệu quả, nhanh chóng và đảm bảo quyền lợi của các bên trong tranh chấp.
Sự phát triển của VIAC trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Tranh chấp thương mại là một hiện tượng phổ biến và thường xuyên diễn ra trong thực tiễn giao lưu kinh tế. Sự ra đời và phát triển của VIAC đã góp phần giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại. Theo số liệu thống kê, cả nước có 490 trọng tài viên và 23 Trung tâm trọng tài thương mại trong đó trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) có 149 trọng tài viên, chiếm gần 40%ctổng số trọng tài viên. Số lượng vụ việc tranh chấp mà các trung tâm trọng tài thụ lý giải quyết đã tăng mạnh, cụ thể tính đến năm 2017 các trung tâm trọng tài đã thụ lý 2145 vụ việc và đã ban hành 1848 phán quyết trọng tài, trong đó VIAC đã thụ lý, giải quyết 226 vụ, trung bình gần 60 vụ/năm.
Bên cạnh chức năng chính là giải quyết tranh chấp, VIAC còn thúc đẩy sự phát triển của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Việt Nam thông qua các hoạt động từ góp ý các chính sách pháp luật, tuyên truyền quảng bá về nâng cao nhận thức về trọng tài thông qua việc tổ chức, phối hợp với các cơ quan tổ chức trong và ngoài nước, phát hành các ấn phẩm về trọng tài thương mại để phổ biến và nâng cao kiến thức pháp cho cộng đồng doanh nghiệp.
Một số câu hỏi liên quan đến VIAC
VIAC ra đời khi nào?
VIAC chính thức được thành lập vào ngày 28/ 04/ 1993 theo Quyết định số 204/TTg của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trên cơ sở hợp nhất Hội đồng Trọng tài Ngoại thương (thành lập năm 1963) và Hội đồng Trọng tài Hàng hải (thành lập năm 1964).
VIAC có phải là tổ chức thuộc Chính phủ không?
VIAC không phải là tổ chức thuộc Chính phủ. Theo Điều lệ của VIAC, VIAC là tổ chức độc lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều lệ của VIAC. VIAC có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. VIAC hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
Những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của VIAC?
Theo Điều 2 Luật Trọng tài thương mại, VIAC có thẩm quyền giải quyết:
Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài
Doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn pháp luật doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp thông qua phương thức trọng tài thương mại tại VIAC, vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất!