VIAC là cơ quan nào? VIAC có phải là cơ quan Chính phủ?
Hiện nay, giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài đang được nhiều khách hàng quan tâm và lựa chọn. Một trong số những trung tâm trọng tài nổi bật nhất tại Việt Nam hiện này là Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). Bài viết dưới đây của Luật Việt An sẽ cung cấp cho quý khách hàng những thông tin cơ bản nhất về VIAC như: VIAC là cơ quan nào? VIAC có phải cơ quan Chính phủ không?
Cơ sở pháp lý
Luật Trọng tài thương mại 2010;
Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC;
Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTT Hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại.
VIAC là cơ quan nào?
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (tiếng Anh: Vietnam International Arbitration Centre, viết tắt là VIAC) được thành lập năm 1903 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trên cơ sở hợp nhất Hội đồng Trọng tài Ngoại thương và Hội đồng Trọng tài Hàng hải.
VIAC được thành lập với mục tiêu không chỉ trở thành tổ chức trọng tài kiểu mẫu, cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hoà giải theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam mà còn là tổ chức thực hiện các sứ mệnh thúc đẩy và phát triển trọng tài thương mại, hoà giải thương mại cũng như các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài toà án (ADRs) tại Việt Nam – các phương thức giải quyết tranh chấp được sử dụng rộng rãi trên phạm vi thế giới.
VIAC có phải là cơ quan Chính phủ không?
VIAC không phải là một tổ chức thuộc Chính phủ. Theo quy định của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và Điều lệ hiện hành, VIAC là tổ chức độc lập, VIAC có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Vì là một tổ chức phi Chính phủ, vì vậy VIAC sẽ hoạt động một cách độc lập, nhân danh chính mình mà không phụ thuộc vào Chính phủ nói chung và bộ Tư pháp nói riêng.
VIAC giải quyết những lĩnh vực tranh chấp nào?
Theo Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010, VIAC có thẩm quyền giải quyết:
Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại
Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại
Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài
Khái niệm “hoạt động thương mại” được quy định cụ thể trong khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005: “hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lời, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lời khác”. Như vậy VIAC sẽ có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp phát sinh từ những hoạt động kể trên.
Muốn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại VIAC phải có điều kiện gì?
Theo Khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại, tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Như vậy, điều kiện để giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài là phải có thỏa thuận trọng tài.
Như vậy, nếu quý khách hàng có mong muốn giải quyết tranh chấp tại VIAC, thì các bên cần có một thỏa thuận quy định về việc tranh chấp sẽ được giải quyết tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam.
Thỏa thuận trọng tài có những hình thức nào?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thỏa thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản hoặc hình thức tương đương văn bản. Các hình thức thỏa thuận được coi là tương đương văn bản có thể là:
Thỏa thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng căn bản giữa các bên;
Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;
Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồngm chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;
Qua trao đổi đơn kiện và bản tự bảo vệ mà tỏng đó thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.
Nếu hai bên đã ký thỏa thuận trọng tài nhưng khi tranh chấp phát sinh, một bên có thể khởi kiện tại Tòa án không?
Nếu hai bên đã ký thỏa thuận trọng tài thì hai bên không thể khởi kiện tại Tòa án. Trong trường hợp này, nếu Tòa án nhận được đơn khởi kiện thì Tòa án cần phải trả lại đơn khởi kiện, nếu đã thụ lý vụ án thì căn cứ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng Dân sự ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của Tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện.
Chi phí trọng tài ở VIAC bao gồm những khoản nào?
Căn cứ theo Điều 34 Quy tắc VIAC, phí trọng tài gồm:
Chi phí để trả thù lao cho các Trọng tài viên giải quyết vụ tranh chấp;
Chi phí hành chính của VIAC liên quan đến việc giải quyết vụ tranh chấp;
Chi phí đi lại, ở và các chi phí có liên quan khác của các Trọng tài viên giải quyết vụ tranh chấp được quy định tại văn bản hướng dẫn của VIAC có hiệu lực tại thời điểm lập dự tính chi phí; chi phí cho các trợ giúp giác theo yêu cầu của Hội đồng trọng tàiChi phí giám định, định giá tài sản, chi phí tham vấn ý kiến chuyên gia.
Dưới đây là Biểu phí trọng tài của VIAC đối với những tranh chấp có 3 trọng tài viên và những chi phí này sẽ giảm còn 70% đối với những tranh chấp có 1 trọng tài viên, quý khách hàng có thể tham khảo:
Bên nào phải trả chi phí trọng tài? Phí trọng tài được phân bổ như thế nào?
Đối với các tranh chấp được giải quyết tại VIAC, chi phí trọng tài sẽ do Hội đồng trọng tài phân bổ trừ khi các bên có thoả thuận khác. Hội đồng Trọng tài có quyền quyết định một bên phải trả toàn bộ hoặc một phần chi phí pháp lý hoặc chi phí hợp lý khác của bên kia.
Đối với những khoản phí như: phí giám định, phí triệu tập nhân chứng, phí định giá tài sản, phí tham vấn ý kiến chuyên gia thông thường sẽ do bên yêu cầu chi trả hoặc do Hội đồng trọng tài phân bổ.
Phán quyết của trọng tài được lập theo nguyên tắc nào?
Tại VIAC, trong trường hợp Hội đồng trọng tài gồm ba Trọng tài viên, Phán quyết trọng tài và các Quyết định của Hội đồng trọng tài được lập theo nguyên tắc đa số. Nghĩa là nếu một bên tranh chấp được 2/3 Trọng tài viên đồng tình thì bên đó sẽ thắng kiện. Còn đối với những tranh chấp mà chỉ có một Trọng tài viên, Phán quyết trọng tài và các Quyết định của Hội đồng Trọng tài được quyết định bởi Chủ tịch Hội đồng Trọng tài.
Phán quyết trọng tài có thể bị kháng cáo không?
Phán quyết của trọng tài có tính chung thẩm, các bên sẽ không được quyền kháng cáo với kết quả của vụ tranh chấp. Đây là một ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp trọng tài vì các bên có thể tiết kiệm được thời gian kháng cáo khiến tranh chấp bị kéo dài, lâu đi đến kết luận cuối cùng.
Trên đây là câu trả lời của Công ty luật Việt An đối với một số thắc mắc về Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam – VIAC. Nếu tư vấn các quy định pháp luật trọng tài, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, quý khách vui lòng viên hệ với chúng tôi để được tư vấn cụ thể nhất!