Từ ngày 14/2/2025, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh) phải thực hiện đăng kí kinh doanh theo quy định của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT và pháp luật giáo dục. Do đó, một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm là khi đăng ký kinh doanh dạy thêm thì phải nộp những loại thuế nào, đặc biệt là hình thức hộ kinh doanh dạy thêm. Sau đây, Luật Việt An sẽ tư vấn về Các loại thuế hộ kinh doanh dạy thêm phải nộp.
Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh
Theo Khoản 1 Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định:
“Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:
…a) Đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật;…”
Như vậy, theo quy định này, từ ngày 14/2/2025, việc tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật. Đăng ký kinh doanh giúp xác định rõ ràng phạm vi, hình thức hoạt động và giúp cơ quan quản lý thuế dễ dàng giám sát và thu thuế từ các hoạt động kinh doanh này.
Các hình thức đăng ký kinh doanh khi dạy thêm bao gồm:
Đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP: tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh;
Đăng ký thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2020: tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và đầu tư cấp tỉnh nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.
Thông thường, hình thức hộ kinh doanh phù hợp vói cá nhân, tổ chức muốn tổ chức dạy thêm dưới quy mô nhỏ, đơn giản thường chỉ bao gồm một hoặc vài học sinh, vài lớp dạy tại nhà, không có nhiều cơ sở hay địa điểm. Còn nếu muốn phát triển và mở rộng quy mô dạy thêm thì các hình thức thành lập doanh nghiệp như công ty TNHH hoặc công ty cổ phần sẽ phù hợp hơn.
Các loại thuế hộ kinh doanh dạy thêm phải nộp
Khi hộ kinh doanh đăng ký dạy thêm, thông thường sẽ phải nộp các loại thuế, lệ phí sau:
Thuế môn bài (lệ phí môn bài);
Thuế thu nhập cá nhân;
Lưu ý: Không phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT).
Thuế môn bài của hộ kinh doanh dạy thêm phải nộp
Đối tượng nộp thuế
Căn cứ Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 22/2020/NĐ-CP, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế môn bài. Như vậy, hộ kinh doanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, cụ thể là dạy thêm ngoài nhà trường phải nộp thuế môn bài.
Mức thuế phải nộp thuế
Mức thuế môn bài hộ kinh doanh dạy nộp theo khoản 2 Thông tư 302/2016/TT-BTC, sửa đổi bởi Thông tư 65/2020/TT-BTC như sau:
Hộ kinh doanh có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm;
Hộ kinh doanh có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 (năm trăm nghìn) đồng/năm;
Hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 (ba trăm nghìn) đồng/năm.
Để xác định doanh thu tính lệ phí môn bài đối với hộ kinh doanh, cần căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC được sửa đổi bởi Thông tư 65/2020/TT-BTC, cụ thể: Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình là tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân năm trước liền kề của hoạt động sản xuất, kinh doanh của các địa điểm kinh doanh theo quy định tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC.
Trường hợp được miễn thuế
Tại khoản 8 Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 22/2020/NĐ-CP quy định trường hợp miễn thuế môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12) đối với:
Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới).
Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, hộ kinh doanh tuy thuộc đối tượng phải chịu thuế môn bài nhưng trong năm đầu thành lập, kinh doanh sẽ được miễn thuế môn bài.
Ngoài ra, nếu hộ kinh doanh dạy thêm có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống cũng được miễn thuế môn bài. Tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 302/2016/TT-BTC hướng dẫn, mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định hộ kinh doanh được miễn lệ phí môn bài là tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh dạy thêm phải nộp
Đối tượng nộp thuế
Theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 100/2021/TT-BTC quy định:
“2. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
…3. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN được xác định cho một (01) người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế”.
Như vậy, hộ kinh doanh dạy thêm có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở lên thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Lưu ý: Từ 01/01/2026, ngưỡng doanh thu nộp thuế thu nhập cá nhân của cá nhân, hộ kinh doanh tăng lên 200 triệu đồng theo Luật Thuế giá trị gia tăng 2024. Theo đó, hộ kinh doanh dạy thêm có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 200 triệu đồng trở xuống thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân từ 01/01/2026.
Cách tính thuế thu nhập cá nhân
Theo khoản 3, 5 và 7 Điều 3 Thông tư 40/2021/TT-BTC, việc tính thuế thu nhập cá nhân theo từng phương pháp được quy định như sau:
Phương pháp kê khai: tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu thực tế phát sinh theo kỳ tháng hoặc quý (phương pháp chủ yếu)
Phương pháp khoán: tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu khoán do cơ quan thuế xác định để tính mức thuế khoán.
Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 40/2021/TT-BTC, thuế thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh áp dụng phương pháp kê khai được xác định theo công thức sau:
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
Trong đó:
Doanh thu tính thuế TNCN là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Tỷ lệ thuế TNCN khác nhau đối với từng lĩnh vực, ngành nghề theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC. Đối với hoạt động dạy thêm thuộc hoạt động khác áp dụng tỷ lệ thuế TNCN 1%.
Hộ kinh doanh dạy thêm không phải nộp thuế giá trị gia tăng
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 100/2021/TT-BTC, nguyên tắc tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về thuế GTGT, thuế TNCN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Cụ thể theo khoản 13 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC, đã được sửa đổi bổ sung qua các thời điểm, có nêu các đối tượng không chịu thế giá trị giá tăng bao gồm như sau:
“Đối tượng không chịu thuế GTGT
…13. Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp”.
Như vậy, hoạt động dạy học, dạy thêm không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng. Do đó, đối với thuế giá trị gia tăng, hộ kinh doanh dạy thêm không phải nộp thuế này.
Trên đây là tư vấn các loại thuế hộ kinh doanh dạy thêm phải nộp. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn hỗ trợ tốt nhất!