Sự bùng nổ của công nghệ tài chính đã và đang tạo ra những thay đổi sâu rộng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính – ngân hàng, với sự xuất hiện của nhiều giải pháp công nghệ tài chính như chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), cho vay ngang hàng. Trong bối cảnh đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư quan tâm đến việc thành lập công ty Fintech nhằm khai thác tiềm năng to lớn của thị trường. Đặc biệt với sự ra đời của Nghị định số 94/2025/NĐ-CP đã cho phép các công ty Fintech tiến hành cung ứng giải pháp Fintech ra thị trường. Vậy thành lập công ty Fintech (thử nghiệm sandbox) cần lưu ý những gì? Sau đây, Luật Việt An sẽ tư vấn và giải đáp thắc mắc cho quý khách hàng.
Công ty Fintech là gì?
Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 94/2025/NĐ-CP, công ty công nghệ tài chính (viết tắt là công ty Fintech) là tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có giấy phép thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam; độc lập cung ứng giải pháp Fintech hoặc thông qua hợp tác với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để cung ứng giải pháp Fintech ra thị trường.
Trong đó, các giải pháp Fintech bao gồm:
Cho vay ngang hàng: là giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin do công ty cho vay ngang hàng cung cấp để kết nối thông tin, hỗ trợ giao kết hợp đồng trên nền tảng số giữa khách hàng là bên đi vay và bên cho vay. Đồng tiền sử dụng trong giải pháp cho vay ngang hàng là đồng Việt Nam.
Giao diện lập trình ứng dụng mở (Open Application Programming Interface – Open API): là một tập hợp các API được tiêu chuẩn hóa, có thể được sử dụng bởi hệ thống máy tính của nhiều tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty Fintech và các bên thứ ba khác để gửi các yêu cầu dịch vụ đến hệ thống tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chia sẻ Open API đó.
Chấm điểm tín dụng: là giải pháp ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty Fintech nhằm chấm điểm mức độ uy tín tín dụng của một cá nhân, tổ chức để hỗ trợ quyết định cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thủ tục chính khi thành lập công ty Fintech (thử nghiệm sandbox)
Để thành lập công ty Fintech (thử nghiệm sandbox), cần lưu ý hai thủ tục chính như sau:
Thủ tục xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đăng ký doanh nghiệp): Tại Cơ quan đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp 2020, Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
Thủ tục xin Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm: Tại Ngân hàng Nhà nước theo Nghị định số 94/2025/NĐ-CP.
Bài viết này sẽ tập trung phân tích về xin Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm khi thành lập công ty Fintech.
Xin Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm khi thành lập công ty Fintech
Điều kiện xin Giấy chứng nhận
Đối với giải pháp giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) và chấm điểm tín dụng
Theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định 94/2025/NĐ-CP, công ty Fintech được xem xét cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm khi giải pháp Fintech đáp ứng các tiêu chí tương tự như tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên và đáp ứng các điều kiện như sau:
Tư cách pháp lý: Là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam; không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quy định pháp luật;
Người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc): Phải có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, công nghệ thông tin và có ít nhất 02 năm kinh nghiệm là người quản lý, người điều hành của tổ chức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và không thuộc những đối tượng bị cấm theo quy định của pháp luật.
Đối với giải pháp cho vay ngang hàng
Công ty Fintech đăng ký thử nghiệm giải pháp cho vay ngang hàng được xem xét cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm khi đáp ứng các điều kiện theo Khoản 2 Điều 11 Nghị định 94/2025/NĐ-CP:
Là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam; không là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật;
Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc) là người có quốc tịch Việt Nam; không có án tích; không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và an ninh mạng; không đồng thời là chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính, ngân hàng, cầm đồ, kinh doanh theo phương thức đa cấp; không là chủ các dây hụi, họ, biêu, phường hoặc đang là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc) có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, công nghệ thông tin và có ít nhất 02 năm kinh nghiệm là người quản lý, người điều hành của tổ chức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và không thuộc những đối tượng bị cấm theo quy định của pháp luật;
Đáp ứng tiêu chuẩn về nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật đối với nền tảng số triển khai giải pháp cho vay ngang hàng đảm bảo các yêu cầu tối thiểu sau:
Hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống lưu trữ thông tin phải đặt trong lãnh thổ Việt Nam, vận hành đảm bảo an toàn và liên tục, hệ thống kỹ thuật dự phòng độc lập với hệ thống chính để đảm bảo không bị gián đoạn khi xảy ra các sự cố, đặc biệt là sự cố về kỹ thuật, công nghệ.
Dữ liệu, thông tin của toàn bộ khách hàng và các bên liên quan phải được cập nhật, lưu trữ và chia sẻ trên nền tảng số có tính bảo mật cao, đảm bảo minh bạch, công khai giữa các bên tham gia nhưng đồng thời phải bảo mật thông tin của bên tham gia đối với các bên không liên quan theo quy định của pháp luật.
Thử nghiệm và đánh giá hệ thống công nghệ thông tin trước khi đưa vào vận hành.
Đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn về lĩnh vực đảm nhiệm đảm bảo hệ thống vận hành an toàn và liên tục.
Hồ sơ đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm
Hồ sơ đăng ký tham gia cơ chế thử nghiệm (sandbox) đối với giải pháp giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) và chấm điểm tín dụng theo Điều 9 Nghị định 94/2025/NĐ-CP.
Hồ sơ đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm đối với Công ty Fintech có đăng ký thử nghiệm giải pháp cho vay ngang hàng gồm các tài liệu cụ thể theo Điều 12 Nghị định 94/2025/NĐ-CP.
Cần lưu ý:
Hồ sơ phải được lập bằng tiếng Việt. Trường hợp văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam (trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định pháp luật về hợp pháp hóa lãnh sự) và dịch ra tiếng Việt.
Các bản sao hồ sơ, tài liệu phải là bản sao có chứng thực hoặc bản sao cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu theo quy định của pháp luật, trường hợp hồ sơ gửi trực tuyến thì thực hiện theo quy định về thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Bản khai lý lịch cá nhân tự lập được chứng thực chữ ký theo quy định của pháp luật.
Trình tự, thủ tục đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm
Bước 1: Công ty Fintech nộp hồ sơ
Hồ sơ được gửi qua đường bưu điện (dịch vụ bưu chính) hoặc nộp trực tiếp tới Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước hoặc trực tuyến tại Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước hoặc cổng dịch vụ công quốc gia.
Bước 2: Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận hồ sơ
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ hoặc có văn bản yêu cầu tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm bổ sung, hoàn thiện thành phần hồ sơ.
Bước 3: Ngân hàng Nhà nước thẩm định hồ sơ
Trong thời hạn 90 ngày làm việc kể từ ngày gửi văn bản xác nhận đã nhận đầy đủ thành phần hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ liên quan tiến hành thẩm định hồ sơ bao gồm cả việc kiểm tra tại chỗ nếu cần thiết.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản đề nghị, các bộ liên quan gửi Ngân hàng Nhà nước văn bản tham gia ý kiến đối với hồ sơ.
Bước 4: Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận
Sau khi thời gian thẩm định quy định kết thúc, Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm đối với tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm có hồ sơ đáp ứng các điều kiện và tiêu chí. Trường hợp từ chối, Ngân hàng Nhà nước trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trên đây là tư vấn về thành lập công ty Fintech (thử nghiệm sandbox). Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp lý hay tiến hành thủ tục liên quan đến giải pháp Fintech, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất!