Hiện nay, với cơ chế cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng và điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đồng thời vẫn phải đảm bảo sức khỏe người dân, người tiêu dùng. Để thực hiện hoạt động này trên thực tế, nhiều nghị định liên quan đến thủ tục hành chính đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nhanh chóng, đầy đủ các hồ sơ công bố cho các sản phẩm của mình. Trong bài viết sau đây, Luật Việt An sẽ cung cấp các thông tin liên quan đến tự công bố sản phẩm tại Hồ Chí Minh theo quy định của pháp luật hiện hành.
Căn cứ pháp lý
Luật An toàn thực phẩm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2018;
Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP, Nghị định 85/2019/NĐ-CP;
Quyết định số 06/2017/QĐ-UBND về ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ sở kinh doanh nào được phép tự công bố sản phẩm?
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tự công bố thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (sau đây gọi chung là sản phẩm).
Sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước được miễn thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm.
Đặc thù thủ tục tự công bố sản phẩm tại Hồ Chí Minh
Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, việc tiếp nhận, xử lí hồ sơ tự công bố sản phẩm của cơ sở kinh doanh do cơ quan quản lí nhà nước được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố chỉ định theo phân cấp quản lí, bao gồm: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ công Thương.
Tuy nhiên, hiện nay, theo Quyết định số 06/2017/QĐ-UBND thành phố Hồ Chí Minh quy định thủ tục tự công bố sản phẩm ở đây không thực hiện theo hướng cấp nào quản lí thì cấp đó công bố như trước đây nữa. Thay vào đó tất cả sản phẩm sẽ được công bố tại Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh (18 Đ. Cách Mạng Tháng 8, Phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Cụ thể:
Ban Quản lý An toàn thực phẩm tạiHCM được thành lập theo Quyết định số 2349/QĐ-TTg, là mô hình thí điểm tập hợp lực lượng quản lý An toàn thực phẩm từ 3 sở: Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với nhiệm vụ làm đầu mối thống nhất tham mưu cho UBND TP.HồChíMinh trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm, xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động bảo đảm An toàn thực phẩm cho cộng đồng.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm được quy định tổ chức việc cấp, đình chỉ, thu hồi các loại giấy chứng nhận, giấy xác nhận, giấy tiếp nhận trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và theo phân cấp của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã phân cấp cho các Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Như vậy, hiện nay việc tự công bố sản phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ do một cơ quan duy nhất thực hiện và chỉ đạo là Ban Quản lý An toàn thực phẩm . Điều này mang lại nhiều thuận lợi cho cơ sở kinh doanh đủ điều kiện tự công bố về mặt thủ tục. Tuy nhiên, hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm chỉ mới đang diễn ra dưới dạng thí điểm theo Quyết định số 2349/QĐ-TTg tại thành phố Hồ Chí Minh.
Trình tự thực hiện tự công bố sản phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh
Bước 1: Kiểm nghiệm sản phẩm
Tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện kiểm nghiệm sản phẩm trong thời hạn 12 tháng để nộp hồ sơ. Các tiêu chí kiểm nghiệm sản phẩm theo từng loại sản phẩm cụ thể.
Trường hợp doanh nghiệp chưa kiểm nghiệm sản phẩm, Luật Việt An hỗ trợ xây dựng chỉ tiêu tự công bố và thay doanh nghiệp kiểm nghiệm sản phẩm miễn phí.
Bước 2: Tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của mình hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và công bố trên Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm.
Trong trường hợp chưa có Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm thì tổ chức, cá nhân nộp 01 bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến Ban Quản lý An toàn thực phẩm để lưu trữ hồ sơ và đăng tải tên tổ chức, cá nhân và tên các sản phẩm tự công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận.
Trường hợp tổ chức, cá nhân có từ 02 cơ sở sản xuất trở lên cùng sản xuất một sản phẩm thì tổ chức, cá nhân chỉ nộp hồ sơ tại Ban Quản lý An toàn thực phẩm .
Bước 3: Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó
Một số lưu ý khi tự công bố sản phẩm
Các tài liệu trong hồ sơ tự công bố phải được thể hiện bằng tiếng Việt; trường hợp có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt và được công chứng. Tài liệu phải còn hiệu lực tại thời điểm tự công bố.
Trường hợp tổ chức, cá nhân có từ 02 (hai) cơ sở sản xuất trở lên cùng sản xuất một sản phẩm thì tổ chức, cá nhân chỉ nộp hồ sơ tại một cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có cơ sở sản xuất do tổ chức, cá nhân lựa chọn. Khi đã lựa chọn cơ quan quản lý nhà nước để nộp hồ sơ thì các lần tự công bố tiếp theo phải nộp hồ sơ tại cơ quan đã lựa chọn trước đó.
Trường hợp sản phẩm có sự thay đổi về tên sản phẩm, xuất xứ, thành phần cấu tạo thì tổ chức, cá nhân phải tự công bố lại sản phẩm. Các trường hợp có sự thay đổi khác, tổ chức, cá nhân thông báo bằng văn bản về nội dung thay đổi đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và được sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngay sau khi gửi thông báo.
Một số câu hỏi liên quan đến tự công bố sản phẩm ở Thành phố Hồ Chí Minh
Có thể xem thông tin các cơ sở tự công bố ở đâu?
Quý khách có thể truy vào http://bqlattp.hochiminhcity.gov.vn/ để vào trang thông tin của Ban Quản lý An toàn thực phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh.
Sau đó chọn Danh sách các sản phẩm Doanh nghiệp tự công bố để tra cứu.
Tại sao thủ tục công bố sản phẩm ở Hồ Chí Minh chỉ do một cơ quan thực hiện?
Do nhu cầu đảm bảo về mặt quản lí. Việc thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố được thực hiện theo dự án của NN về việc thí điểm một cơ để thống nhất đầu mối quản lý, khắc phục các bất cập trong cơ chế phối hợp, tăng cường hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn..
Không thực hiện thông báo, đăng tải, niêm yết bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật bị xử phạt như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 20 Nghị định 115/2018/NĐ-CP, hành vi trên sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hoặc hỗ trợ thủ tục tự công bố sản phẩm tại Hồ Chí Minh, xin vui lòng liên hệ đến dịch vụ thành lập của Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!