Nhãn hiệu là một tài sản vô hình của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã đăng ký nhãn hiệu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu của nhãn hiệu đó. Khi nhãn hiệu đã được đăng ký, chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền chuyển nhượng nhãn hiệu của mình cho cá nhân, tổ chức khác. Việc chuyển nhượng nhãn hiệu phải được lập thành hợp đồng. Để xác lập một hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu đúng pháp luật và đáp ứng quyền lợi các bên, Công ty luật Việt An xin tư vấn quý khách hàng cách thức soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu như sau:
Căn cứ pháp lý
– Bộ luật dân sự năm 2015;
– Luật sở hữu trí tuệ năm 2005;
– Nghị định 103/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
– Thông tư 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành Nghị định 103/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Hình thức hợp đồng
Khoản 2 Điều 138 Luật sở hữu trí tuệ quy định: “Việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản”.
Theo đó, hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu phải được xác lập dưới hình thức văn bản.
Điều kiện chuyển nhượng nhãn hiệu
Chủ sở hữu chỉ được chuyển nhượng nhãn hiệu khi đáp ứng các điều kiện sau:
– Chủ sở hữu nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ;
– Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
– Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.
Nội dung cơ bản của hợp đồng
Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;
Căn cứ chuyển nhượng;
Giá chuyển nhượng;
Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.
Ngoài ra các bên có thể thỏa thuận một số điều khoản khác như:
– Thỏa thuận các trường hợp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng;
– Thỏa thuận thời điểm chấm dứt hợp đồng, điều kiện chấm dứt hợp đồng;
– Thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng: Ghi nhận rõ mức phạt vi phạm nhưng lưu ý mức phạt vi phạm hợp đồng không được vượt quá 8% tổng giá trị hợp đồng;
– Thỏa thuận về giải quyết tranh chấp: Ghi nhận rõ cơ quan giải quyết tranh chấp và hình thức giải quyết tranh chấp;
– Thỏa thuận về sửa đổi, bổ sung và điều khoản thi hành.
Lưu ý:
– Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu phải được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu được xác định là thời điểm đã hoàn tất các thủ tục đăng ký hợp đồng tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quyền sở hữu công nghiệp – Cục sở hữu trí tuệ theo quy định tại điểm 11 thông tư 01/2007/TT-BKHCN.
Trên đây là tư vấn của Công ty luật Việt An, nếu có thắc mắc thì Qúy khách hàng xin vui lòng liên hệ trực tiếp đến Công ty để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.