Thừa kế là một thủ tục phổ biến trong xã hội khi một người muốn để lại tài sản cho người khác. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Tuy nhiên chia thừa kế theo pháp luật như nào cho đúng? Trong bài viết này, Luật Việt An sẽ trình bày về Các trường hợp chia thừa kế theo pháp luật.
Căn cứ pháp lý
Bộ luật Dân sự 2015.
Một số khái niệm liên quan đến thừa kế và chia thừa kế theo quy định của luật
Thừa kế là gì?
Thừa kế được hiểu đơn giản là sự chuyển dịch tài sản của người đã mất cho người còn sống. Việc chuyển dịch này có thể là chuyển dịch theo di chúc (chuyển dịch theo mong muốn, ý chí của người đã mất khi họ còn sống) hoặc chuyển dịch tài sản theo quy định của pháp luật.
Chia thừa kế theo pháp luật là gì?
Chia thừa kế theo quy định của pháp luật được hiểu là quá trình phân phối tài sản của người đã mất theo các quy định và nguyên tắc của pháp luật.
Các trường hợp chia thừa kế theo quy định của pháp luật
Theo quy định của Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, nếu thuộc một trong các trường hợp được liệt kê sau đây thì sẽ tiến hành chia thừa kế theo pháp luật:
Không có di chúc: Khi người mất không để lại di chúc dưới bất cứ hình thức nào.
Di chúc không hợp pháp: Trong trường hợp người mất có để lại di chúc, nhưng di chúc không tuân theo quy định của pháp luật hiện hành (có thể là quy định về độ tuổi, hình thức của di chúc, nội dung của di chúc)
Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế: Điều này áp dụng khi những người được chỉ định trong di chúc đã qua đời hoặc không tồn tại nữa.
Người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Ngoài ra, theo khoản 2 của Điều 650, trong quá trình chia thừa kế theo di chúc, vẫn có khả năng thực hiện chia thừa kế theo quy định của pháp luật nếu rơi vào những tình huống sau đây:
Phần di sản không được định đoạt trong di chúc: Khi người đã mất để lại di chúc nhưng không liệt kê tất cả các tài sản mình có trong di chúc. Như vậy, phần tài sản không được ghi trong chúc sẽ được chia theo quy định của pháp luật
Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật: Trong trường hợp di chúc bị vô hiệu một phần theo quy định pháp luật thì tài sản được đề cập trong phần bị vô hiệu đó sẽ được tiến hành chia theo quy định của pháp luật
Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế: Khi những người được liên quan không thể hoặc từ chối nhận di sản, hoặc chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc. Cũng như khi cơ quan hoặc tổ chức được chỉ định không còn tồn tại khi quá trình mở thừa kế diễn ra.
Các hàng thừa kế khi chia thừa kế theo pháp luật
Theo quy định tại Điều 651, Bộ luật Dân sự hiện hành các hàng thừa kế khi chia thừa kế theo pháp luật được quy định như sau:
Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người đã qua đời.
Hàng thừa kế thứ hai bao gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người đã qua đời; cháu ruột của người đã qua đời mà người đó là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
Hàng thừa kế thứ ba bao gồm: cụ nội, cụ ngoại của người đã qua đời; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người đã qua đời; cháu ruột của người đã qua đời mà người đó là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người đã qua đời mà người đó là cụ nội, cụ ngoại.
Một số nguyên tắc khi chia thừa kế theo pháp luật
Khi chia thừa kế theo pháp luật, cần phải lưu ý thực hiện đúng một số nguyên tắc sau đây để tránh sai sót, cũng như nhầm lẫn trong khi chia thừa kế:
Những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Quy định này nhằm đảm bảo tính công bằng, bình đẳng trong quá trình chia thừa kế giữa những người có cùng hàng thừa kế
Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước, do những người ở hàng thừa kế trước đã mất, không có quyền di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản
Trên đây là hai nguyên tắc cơ bản khi chia thừa kế theo pháp luật cần phải lưu ý.
Một số câu hỏi liên quan đến chia thừa kế
Con riêng của vợ có được nhận thừa kế khi cha dượng mất hay không?
Theo quy định tại Điều 653, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này”.
Như vậy theo quy định này, nếu con riêng của vợ và cha dượng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưưỡng nhau thì khi cha chượng mất, người con này hoàn toàn có quyền nhận được thừa kế theo quy định của pháp luật.
Nếu người mất để lại di chúc nhưng người nhà không muốn chia theo di chúc mà muốn chia theo pháp luật thì có hợp pháp hay không?
Theo quy định của pháp luật dân sự, trong trường hợp người mất có để lại di chúc thì sẽ phải chia thừa kế theo di chúc trước.
Tuy nhiên, nếu người mất để lại di chúc nhưng rơi vào các trường hợp sau đây thì vẫn có thể chia theo pháp luật:
Di chúc hợp pháp;
Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản;
Di chúc bị vô hiệu một phần thì tài sản đề cập trong phần bị vô hiệu sẽ chia theo pháp luật;
Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Như vậy, nếu người mất để lại di chúc nhưng di chúc hợp pháp và không có vấn đề nào khác phát sinh thì không thể tự ý chia theo pháp luật. Ngược lại, nếu di chúc đó thuộc một trong các trường hợp nói trên thì sẽ chia thừa kế theo pháp luật.
Dịch vụ giải quyết tranh chấp thừa kế của Luật Việt An
Tư vấn hòa giải tranh chấp thừa kế;
Tư vấn thủ tục giải quyết tranh chấp;
Tư vấn tranh chấp thừa kế có yếu tố nước ngoài;
Tư vấn giải quyết tranh chấp về quyền hưởng thừa kế, xác định hàng thừa kế, tài sản thừa kế theo quy định;
Giải quyết tranh chấp trong việc chia thừa kế theo pháp luật, chia thừa kế theo di chúc giữa các đồng thừa kế;
Hướng dẫn khách hàng trình tự thủ tục khởi kiện, thời hiệu khởi kiện, điều kiện khởi kiện giải quyết tranh chấp;
Tham gia gia tố tụng với tư cách là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng tại tòa án;
Tư vấn giải quyết tranh chấp liên quan đến thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Trên đây là nội dung liên quan đến các trường hợp chia thừa kế theo pháp luật. Quý khách hàng có nhu cầu liên quan đến pháp luật dân sự, giải quyết tranh chấp thừa kế xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ một cách tốt nhất!