Hoạt động vay tài sản là một trong những hoạt động diễn ra hết sức phổ biến trong thời kì nền kinh tế thị trường có nhiều biến động. Tuy vậy, đi kèm với sự phát triển về mặt số lượng hoạt động vay tài sản là những tranh chấp liên quan đến hoạt động nói trên. Vậy để giải quyết tranh chấp vay tài sản thì cần phải xử lí như thế nào, hãy cùng Công ty Luật Việt An tìm hiểu.
Cơ sở pháp lý liên quan
Bộ luật Dân sự năm 2015.
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại.
Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại.
Khái quát về hoạt động vay tài sản
Khái niệm về hoạt động vay tài sản
Theo Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng vay tài sản được quy định cụ thể như sau: “là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Như vậy, có thể hiểu hoạt động vay tài sản là quá trình thực hiện hợp đồng vay tài sản được quy định theo Bộ luật Dân sự 2015, mà trong đó một bên (bên vay) nhận được một khoản tài sản từ bên cho vay, và sau đó bên vay có trách nhiệm trả lại tài sản đó khi đến hạn (nếu có quy định thời hạn), có thể kèm theo việc thanh toán lãi suất nếu có thoả thuận.
Đặc điểm của hoạt động vay tài sản
Hoạt động vay tài sản có cơ sở hình thành từ sự thỏa thuận giữa các bên, đây là đặc điểm của các hợp đồng dân sự nói chung.
Mục đích của hoạt động vay tài sản là chuyển quyền sở hữu tài sản từ bên cho vay sang bên vay. Lúc đó, tài sản sẽ thuộc quyền sở hữu của bên vay.
Đối tượng của hoạt động vay tài sản này là tài sản.
Nghĩa vụ của các bên trong loại hợp đồng này là bên cho vay có nghĩa vụ giao tài sản cho bên vay. Trường hợp hợp đồng vay có quy định thời hạn thì khi đến hạn trả thì bên vay cũng có nghĩa vụ phải hoàn trả vật cùng loại, cùng số lượng chất lượng tương ứng.
Hoạt động vay tài sản có thể có lãi hoặc không có lãi tùy thuộc vào thỏa thuận giữa các bên.
Tranh chấp hoạt động vay tài sản
Nội dung tranh chấp trong các vụ việc vay tài sản
Tranh chấp liên quan tới hiệu lực của hợp đồng
Thứ nhất, tranh chấp đó có phải là hợp đồng vay giả tạo hay không.
Thứ hai, tranh chấp liên quan đến việc xác định chủ thể ký kết, giao kết hợp đồng có đủ khả năng xác định năng lực chủ thể ký kết hợp đồng hay không.
Thứ ba, là xác định hiệu lực thực tế của của hợp đồng như hợp đồng có ký khống hay không, hoặc là bên vay cho rằng mình không phải là bên vay thực tế vì tài sản vay thực tế được giao cho một bên khác.
Tranh chấp liên quan tới nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi:
Thứ nhất, các bên cho rằng số lượng nợ gốc và lãi không thống nhất.
Thứ hai, các bên yêu cầu trả đúng hạn theo hợp đồng nhưng bên vay không thể trả nợ đúng và đủ theo hợp đồng và họ chỉ muốn trả gốc không trả lãi hoặc được giãn trả dần tiền nợ gốc trong một khoảng thời gian.
Thứ ba, bên vay trốn tránh trách nhiệm trả nợ.
Tranh chấp về lãi suất:
Đó có thể là thỏa thuận miệng về lãi suất không được ghi trong hợp đồng.
Hoặc là tranh chấp về việc có hay không lãi suất, hoặc cách xác định mức lãi suất.
Tranh chấp về tài sản đảm bảo:
Thứ nhất, tranh chấp về tài sản đảm bảo giữa bên vay và bên cho vay. Với những tranh chấp này, tài sản đảm bảo là tài sản của bên vay mang đi thế chấp hoặc cầm cố với bên cho vay.
Thứ hai, tranh chấp về tài sản đảm bảo có sự tham gia của bên thứ ba tham gia với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự. Trong những trường hợp này, bên vay thường mượn hoặc bằng một cách thức nào đó có được tài sản của bên thứ ba và họ mang đi thế chấp hoặc cầm cố với bên cho vay. Những tranh chấp này thường rất phức tạp.
Các hình thức giải quyết tranh chấp vay tài sản
Các bên tự thương lượng với nhau
Cách thức trong thực tiễn được các bên áp dụng đó là bên cho vay tìm đến thuyết phục, yêu cầu bên vay thực hiện đúng cam kết hợp đồng, thậm chí hai bên có sự thương lượng nhằm bước đầu tìm tiếng nói chung để giải quyết tranh chấp. Việc gửi yêu cầu, hai bên tự thương lượng để giải quyết tranh chấp là một cách làm ít tốn chi phí, thời gian giải quyết cũng nhanh chóng. Việc các bên tự giải quyết tranh chấp với nhau cũng góp phần giúp hai bên giữ được mối quan hệ sau này nhưng việc này cũng có một số hạn chế khi phải phụ thuộc nhiều vào sự tự giác của bên vay.
Hòa giải thương mại
Khi xảy ra tranh chấp vay tài sản, các bên có thể tiến hành hòa giải thông qua một bên thứ ba để giải quyết tranh chấp. Theo bản chất, hoạt động hòa giải được tiến hành trên cơ sở tôn trọng sự tự nguyện của các bên, không bắt buộc, áp đặt các bên trong quá trình hòa giải.
Hợp đồng vay tài sản nếu thuộc trường hợp nhằm mục đích thương mại, đáp ứng các điều kiện phát sinh điều kiện về phát sinh thẩm quyền, các quy định điều chỉnh cơ chế hòa giải thương mại được thực hiện theo Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại.
Cụ thể, để áp dụng phương thức hòa giải thương mại, theo Điều 2 Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại, tranh chấp về vay tài sản của các bên cần thuộc một trong các phạm vi giải quyết bằng hòa giải thương mại như sau:
Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
Tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại.
Tiếp sau đó, theo Điều 6 của Nghị định này, các bên cần có thỏa thuận hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.
Trọng tài thương mại
Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của Trọng tài viên, người đóng vai trò là bên thứ ba độc lập, nhằm chấm dứt các xung đột bằng việc đưa ra phán quyết trọng tài mà các bên phải tôn trọng và thực hiện. Trọng tài thương mại là một hình thức giải quyết tranh chấp có tính chất tài phán phi chính phủ, được các bên tham gia tranh chấp thỏa thuận lựa chọn nhằm giải quyết tranh chấp thương mại.
Điều 2 Luật Trọng Tài thương mại năm 2010 quy định về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài như sau:
Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài.
Bên cạnh đó, tại Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010, để áp dụng trọng tài thương mại, cần tuân thủ các điều kiện sau:
Thỏa thuận trọng tài: Tranh chấp chỉ được giải quyết bằng trọng tài nếu các bên đồng ý thỏa thuận về việc áp dụng trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước khi xảy ra tranh chấp hoặc sau khi tranh chấp đã xảy ra.
Người tham gia là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi: Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của cá nhân đó, trừ khi có thoả thuận khác.
Người tham gia là tổ chức: Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức và tổ chức đó bị chấm dứt hoạt động, phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ khi có thoả thuận khác.
Kết hợp các điều kiện trên thì thực chất chỉ có duy nhất một trường hợp giải quyết bằng trọng tài, đó là điều kiện các bên thỏa thuận đối với tranh chấp trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại. Như vậy, tranh chấp vay tài sản cũng được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận.
Các bên có thể chỉ thoả thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài mà không cần phải ghi chính xác tên của Trung tâm Trọng tài thương mại trên thực tế. Trường hợp các bên vừa có thoả thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, vừa có thoả thuận giải quyết tranh chấp bằng Toà án thì có quyền khởi kiện ra trước một trong hai bên Trọng tài hoặc Toà án giải quyết theo quy định tại khoản 4, Điều 2 về “Xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Trọng tài, Toà án theo quy định Luật Trọng tài thương mại”, Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại”.
Khởi kiện tại Tòa án
Theo Khoản 3 Điều 26 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án bao gồm tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự. Căn cứ vào quy định trên, nếu không thỏa thuận được về việc thống nhất hướng giải quyết như đã trình bày phía trên bài viết thì các bên có quyền khởi kiện lên Tòa án để Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản đó.
Thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại các Điều 39, 35, 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, cụ thể như sau:
Các bên có thể tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án cấp huyện nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức. Nếu không có thỏa thuận thì Tòa án cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.
Trường hợp có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Theo quy định, thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp hợp đồng cho vay là 03 (ba) năm. Tuy nhiên, trong trường hợp hết thời hiệu khởi kiện nếu:
Bên vay đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người cho vay.
Bên vay thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người cho vay.
Các bên đã tự hòa giải với nhau.
Lúc này thời hiệu khởi kiện sẽ bắt đầu lại từ đầu tại thời điểm ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện thừa nhận hoặc hòa giải ở trên.
Một số lưu ý về mặt nội dung khi giải quyết tranh chấp vay tài sản
Với hiệu lực của hợp đồng vay tài sản
Thứ nhất, vấn đề là một bên cho rằng hoạt động vay tài sản đưa ra là giả tạo. Theo thực tiễn giải quyết tại Tòa án, bên cạnh việc xem xét nội dung và hình thức của hợp đồng vay tài sản có được thêm bớt tẩy xóa hay không thì Tòa án thường tiến hành hoạt động giám định chữ ký của các bên trong văn bản của hợp đồng vay tài sản có giả mạo hay không. Thêm vào đó, Tòa án còn lấy lời khai của người làm chứng, đánh giá nguồn tiền mà bên vay tiền có thể có khả năng cho vay, diễn biến sự việc tại thời điểm được giả mạo hay không.
Thứ hai, trong trường hợp các bên ký kết hợp đồng và các giấy tờ khác liên quan nhưng bên vay cho rằng mình không phải là bên vay, do thực tế tài sản vay được giao đến một bên khác. Để giải quyết các vụ án tương tự thế này, nghĩa vụ chứng minh thuộc về phía bên vay, họ cần chứng minh việc mình không phải là người nhận tiền vay của bên cho vay. Ngoài ra, cơ quan chức năng (Tòa án) cũng lấy lời khai của bên mà bên vay cho rằng họ mới là người thực tế nhận tiền vay.
Về tài sản đảm bảo của hoạt động vay tài sản
Để giải quyết được nội dung này, các bên cần phải dựa vào một số căn cứ như sau:
Thứ nhất, trong hợp đồng vay tài sản liệu có đề tập tài sản bảo đảm không, quy định liên quan về việc đăng ký giao dịch bảo đảm với loại tài sản được dùng làm tài sản đảm bảo.
Thứ hai, tài sản đảm bảo hiện chủ sở hữu là ai. Trong trường hợp tài sản không phải là của bên vay thì chủ sở hữu của tài sản đó có đồng ý cho lấy tài sản của họ làm tài sản đảm bảo không.
Thứ ba, các bên không đăng ký giao dịch bảo đảm với loại tài sản như quyền sử dụng đất. Với loại tài sản này, cần bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành. Nếu không đăng ký giao dịch bảo đảm, khi đưa vụ việc ra Tòa án xét xử sẽ không có căn cứ để cho rằng giao dịch bảo đảm giữa các bên không có hiệu lực, dẫn tới không có căn cứ để áp dụng biện pháp kê biên khối bất động sản.
Khuyến nghị dành cho các bên khi tham gia hoạt động vay tài sản
Để tránh khỏi rơi vào tình trạng phải đi giải quyết tranh chấp vay tài sản, các bên cần phải:
Đánh giá rủi ro quá trình vay, xác định mục đích vay nợ là để làm việc gì.
Cẩn trọng trong hình thức xác lập hợp đồng.
Xem xét lãi suât trong các hợp đồng vay tài sản.
Bên cho vay cần yêu cầu bên vay thực hiện việc đăng ký giao dịch đảm bảo.
Xác định phạm vi khởi kiện phù hợp để đảm bảo quyền lợi chính đáng khi một trong các bên muốn khởi kiện ra Tòa án.
Quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc về giải quyết tranh chấp vay tài sản, pháp luật dân sự, pháp luật hình sự, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được chúng tôi hỗ trợ tốt nhất!